Thư Gửi Mẹ Ngày Tết Xa Nhà Mùa Dịch 2021

Quê hương là gì hả mẹ? 

Mà ai đi xa cũng nhớ về.

 Vậy là những ngày tháng chạp âm lịch năm 2020 lại về rồi mẹ nhỉ. Trời quê mình lại trở lạnh, mấy hôm nay gió mùa đông bắc đổ về, con nghe nhiều nơi đến gia súc còn chết hàng loạt. Con biết gió lạnh, ngôi nhà rộng lớn chỉ có mẹ hàng ngày đã trống trải nay còn giá lạnh mênh mông hơn. 

 Tuổi thơ êm đềm tuy nghèo khó nhưng con sống trong tình thương yêu của người thân gia đình. Ký ức tuổi thơ với đồng ruộng, con Sông Hồng đỏ nặng phù xa đã nuôi nấng con trưởng thành: “quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày”.

 Rồi những ngày dời xa quê lên giảng đường đại học, con bắt đầu có nhiều hiểu biết hơn, học hỏi được nhiều hơn. Những bước chân của con ra đi luôn có sự trông ngóng của Mẹ. Con biết hồi đó, và bây giờ cũng vậy cứ sau ngày 23 tháng chạp cúng Ông Công, Ông Táo người quê mình đi xa về gần đều đổ về quê hương đón tết. 

Mẹ già luộc bánh
Mẹ già ngồi luộc bánh chưng

  Mẹ già ngồi luộc bánh chưng

 Ngóng đàn con dại đã về tới đâu?

Còn bà ra đứng vào trông.

Ngoài đường xe cộ, cháu về có sao?

Cảm giác bồi hồi mong ngóng ngày trở về quê hương của người đi xa cũng như người ở nhà ngóng chờ sao mà  nao nao, hồi hộp và thiêng liêng đến vậy!

bà nội chờ cháu về tết
Hình ảnh Người Bà ngóng ra cổng chờ cháu

 Người dân Việt Nam mình vốn có truyền thống coi trọng tình cảm gia đình, lấy gia đình làm nguồn cội. Từ văn hóa thờ ông bà tổ tiên, đến những câu răn dạy như “kính lão đắc thọ” đều thể hiện quan điểm đó. Và tết đến, xuân về cũng là dịp để gia đình đoàn tụ, sum vầy, đó là truyền thống dân tộc. Truyền thống đó cũng đã chảy trong người con. 

 Hẳn ngày xưa Mẹ rất hồ hởi trả lời câu hỏi như một câu chào xã giao của làng xóm: “Cháu nó về ăn tết chưa hả Cô?”. Nhưng năm nay con biết mẹ sẽ buồn, sẽ không muốn ai hỏi câu chào đó phải không? Nhà có năm người con, ba người con gái thì lấy chồng xa, sớm nhất cũng phải ngày mùng một, mùng hai mới về. Hai thằng con trai ở Nhật tết năm nay sẽ lại vắng nhà. 

 Từ khi sang Nhật đã  mười mấy năm rồi, những năm đầu sang Nhật bên này chỉ nghỉ tết dương lịch. Đến tết âm lịch nếu rơi vào ngày trong tuần, chúng con vẫn đi làm. Những năm đầu cứ mỗi khi tết ta về con cảm thấy nao nao, nhớ lắm, những ngày đó chỉ chờ hết giờ làm là về dùng thẻ điện thoại gọi qua máy điện thoại bàn của công ty gửi lời chúc tết. Cũng có những năm tết ta trùng vào ngày cuối tuần, chúng con vui lắm, ngoài thời gian gọi điện về chúc tết chúng con cũng ngồi bên nhau đón cái tết xa nhà. Trước kia khi bà, bố còn sống con thường lấy lý do công việc, bên Nhật không nghỉ tết âm nên không về được mà chỉ về tết dương.

 Những dịp về tết dương ngắn ngủi, lúc con bước chân đi cũng là những ngày cận tết đang về, cảm giác bước chân đi thật nặng nề, xao xuyến.

 Thế rồi sau mười năm ở Nhật con cũng có vợ có con, lúc này nhìn thấy bà già, bố yếu và mong muốn một cái tết đoàn viên đến nhường nào. Con xin được công ty cho phép nghỉ có lương, chuẩn bị mua vé cho cả nhà  từ nửa năm trước mong rằng ngày tết năm ấy ông bà, con cháu vui vẻ…Ai ngờ bà và bố ra đi không xa ngày tết để lại những cái tết buồn thiu. Từ năm đó, anh em con thay nhau về tết âm để ngôi nhà được sưởi ấm bởi hơi người, để mẹ được ấm lòng. Nhưng năm nay dịch bệnh hoành hành chúng con không về, chắc mẹ buồn lắm…

  Con kể mẹ nghe tết ở Nhật nhé. Ở Nhật nghỉ ăn tết dương lịch, chúng con nghỉ một tuần. Năm nay gần đến tết dương dịch ncovid lại bùng phát. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhắc nhở, động viên người dân ăn tết trong lặng lẽ. Các hoạt động trong tết dương lịch năm nay không có, ngay kể cả đi Thần Đạo đầu năm theo truyền thống của người Nhật, con cũng thấy số lượng người đi giảm đáng kể. 

 Trong ngày nghỉ tết dương lịch đầu năm nhà con cũng gói bánh chưng. Năm nay vợ con mua được ít lá dong, cùng với nhà chú em gói bánh. Điều thú vị nhất là việc gói bánh chưng được các cháu hưởng ứng nhiệt tình, cháu nội của bà Bình Xuyên mới bảy tuổi cũng lần đầu học và gói được ba cái bánh chưng nhỏ rất đẹp. Sau khi luộc bánh chưng, thắp hương xong cả nhà làm cỗ đón năm mới. Các cháu nhỏ rất thích ăn bánh chưng, biết được khái niệm tết như thế nào. Cho dù các cháu sinh ra và lớn lên tại nước bạn, nhưng chúng con vẫn luôn cố gắng truyền dạy những văn hóa Việt Nam như qua việc làm Bánh Chưng này. 

 Con lại nhớ những ngày tết Việt,  cha mẹ gói bánh chưng, đơm đĩa xôi đầy ngày tết. Truyền thống Việt Nam mình thật đẹp. Từ thời Lang Liêu làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng cho hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Lang Liêu giã xôi làm bánh tròn, để tượng trưng cho  hình Trời, gọi là Bánh Giầy (Bánh Dày). Lá xanh bọc ở ngoài Bánh Chưng và nhân ở trong ruột bánh là tượng trưng cho  hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Hình tượng trời – đất – gia đình chứa đựng trong cái Bánh Chưng, Bánh Giầy ( ở quê mình không có bánh giầy thờ ngày tết, nhưng đĩa xôi là tượng trưng cho Trời tròn). Nguyên liệu làm bánh lại được lấy từ những sản phẩm quen thuộc từ nền văn hóa lúa nước thể hiện tinh thần lao động cần cù chịu khó của người dân Việt Nam. Chính vì vậy,  Bánh Chưng là một hình ảnh bất diệt trong văn hóa ngày tết cổ truyền Việt Nam.

 Mẹ biết không, ngay năm đầu tiên sang Nhật, dịp tết dương lịch con đã nhìn thấy những điểm tương đồng trong tết của người Nhật.  Bà cụ mẹ Giám đốc cũng mang gạo nếp thu hoạch từ ruộng của nhà, bà cũng xay bột và làm bánh. Chúng con thấy và ủ bôt, giã, đập và làm rất nhiều bánh tựa như bánh dày nhưng nhỏ hơn. Sau đó bà nói con biết đó là bánh Omochi cũng làm từ gạo nếp. Omochi cũng là một loại bánh không thể thiếu trong ngày tết của Nhật Bản. Ngoài ra nhiều nơi có lễ hội ném bánh Omochi ngày tết, đồn rằng ai nhặt được bánh đó sẽ rất may mắn, no đủ cả năm. Con cũng đã đi tham dự lễ hội này một lần, quả thực rất thú vị.

Bánh omochiBánh Omochi trong ngày tết của Nhật Bản

Bánh Omoshi Làm từ gạo nếp – từ trồng trọt, và cũng làm hình bán nguyệt như bánh dày như vậy phải chăng đó cũng là hình tượng của Trời tròn. 

 Vậy hình tượng đất vuông ở Nhật là gì? Con phát hiện ra ngay trong tiệc tết nhà giám đốc ngày đầu năm. Với những hộp Osechi đắt tiền, đầy màu sắc, Mẹ ạ, người Nhật nói hộp Osechi cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày tết gia đình người Nhật. Hộp nó hình vuông tượng trưng cho đất, đồ ăn trong hộp có nhiều loại hải sản, càng cua rất to, trứng cá hồi, bạch tuộc… Phải chăng đó chính là đồ ăn đặc trưng của Quốc đảo bốn bề bao quanh là biển cả, với rất nhiều người dân là Ngư dân.

Trong hộp Osechi còn có một số các loại củ nữa, đấy mẹ thấy không sự tương đồng của Trời – Đất, Âm-Dương và đặc trưng của nền sản xuất được thể hiện ngay trong văn hóa ẩm thực ngày tết của cả hai nước Việt – Nhật mẹ nhỉ.

  Mùng một tết nguyên đán năm nay rơi vào thứ sáu, kế cận đó là hai ngày cuối tuần mẹ ạ. Nhưng mẹ biết đó, dịch ncovid đang bùng phát dữ dội tại Nhật Bản. Sau Tokyo, Saitama, Chiba đến ngày 13/1/2021 thêm các tỉnh Tochigi, Gifu, Kyoto,Osaka, Hyogo, Fukuoka và tỉnh con đang sống Aichi ken lại rơi vào tình trạng cảnh báo nghiêm trọng. Mỗi ngày tại Nhật Bản hiện giờ có vài nghìn người bị lây nhiễm. Bởi vậy, vì sự an toàn cho công dân Việt Nam và xã hội trong những ngày tết âm lịch ông Vũ Hồng Nam Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cũng có những chỉ đạo nhắc nhở kiều bào tránh tụ tập, tổ chức các hoạt động ngày tết âm lịch năm nay.

 Một năm của dịch bệnh sắp trôi qua, năm mới Tân Sửu 2021 lại về, con cầu mong và tin tưởng những điều tốt đẹp hơn trong năm mới. Con mong muốn cho dịch bệnh hết, mẹ khỏe, mọi người dân khỏe mạnh trải qua dịch bệnh, mọi thứ sớm được trở lại bình thường để con lại sớm được đưa vợ con về ăn tết bên mẹ.

  Con biết sang năm mới mẹ sẽ lại đi Chùa cầu an, sẽ lại xin điều lành cho con cháu. Mẹ sẽ xin lời Phật dạy gửi đến hành trang của đời con : “ Cuộc đời như một hòn đá, chính bạn quyết định cho hòn đá đó phủ rêu hay trở thành viên ngọc tỏa sáng”!

  Vâng, con cảm ơn mẹ nhiều!

Bài Viết được đăng tải trên Tạp chí Đồ Uống Việt Nam Xuân 2021

Japan ngày cận tết âm lịch 2021

Con Nguyễn Trường Luận (Luận Japan)

BÀI ĐĂNG MỚI

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

CHUYÊN MỤC